Xuất khẩu tại chỗ đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh hình thức xuất khẩu truyền thống. Hình thức tại chỗ này không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian mà còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế xuất.
Vậy xuất khẩu tại chỗ là gì? Thủ tục như thế nào? Có gì cần lưu ý khi sử dụng hình thức này?
Mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về hình thức này nhé!
Trước hết, tôi xin thảo luận một chút về khái niệm…
Xuất khẩu tại chỗ là gì?
Theo cách hiểu thông thường, xuất khẩu nghĩa là bán hàng cho đối tác nước ngoài.
Nhưng còn “tại chỗ” là thế nào?
Là giao hàng tại chỗ, trên lãnh thổ Việt Nam, thay vì phải chở ra nước ngoài như xuất khẩu thông thường mà chúng ta vẫn thấy.
Sao bán cho nước ngoài mà lại giao trên lãnh thổ Việt Nam nhỉ?
À, là vì người mua nước ngoài muốn hàng hóa được giao cho đối tác của họ ngay tại Việt Nam.
Vài điểm cơ bản thế, còn đây là khái niệm:
Xuất khẩu tại chỗ là hình thức mà hàng hoá được các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài nhưng lại giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, xuất khẩu tại chỗ cần 3 yếu tố:
- Bán hàng (xuất khẩu) cho thương nhân nước ngoài
- Địa điểm giao hàng tại Việt Nam
- Thông tin người nhận hàng do người mua hàng nước ngoài cung cấp
Ta cùng xem ví dụ cụ thể.
Ví dụ – Bán hàng cho công ty đặt may gia công.
Công ty A tại Hà Nội bán lô hàng cho Công ty B. Công ty B tại Trung Quốc chỉ định giao lô hàng này cho đối tác mà họ đã ký hợp đồng thuê gia công là Công ty C, địa điểm giao hàng tại Hà Nội. Như vậy, công ty A đã bán hàng xuất khẩu cho đối tác nước ngoài (Trung Quốc), nhưng lại giao ngay trong nội địa Việt Nam (Hà Nội) theo chỉ định, chứ không đưa hàng ra khỏi biên giới Việt Nam.
Đó gọi là Xuất khẩu tại chỗ .
Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ
Với khái niệm tôi vừa trình bày ở trên, bạn có thể nhận ra hàng hóa xuất khẩu tại chỗ gồm những loại nào.
Theo Điều 86 - Thông tư số 38/2015/TT-BTC về “Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thì hàng hóa xuất khẩu tại chỗ bao gồm 3 loại:
- Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
- Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu tại chỗ
Với loại hình xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ, thủ tục hải quan được quy định tại:
- Nghị định số 08/2015/NĐ-CP
- Thông tư số 38/2015/TT-BTC – Điều 86 & 16
Hồ sơ hải quan
Hồ sơ hải quan được quy định chi tiết tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC, cơ bản gồm các chứng từ:
- Tờ khai hải quan
- Hợp đồng mua bán
- Hóa đơn thương mại, hoặc hóa đơn GTGT (với DN trong nội địa xuất vào Khu chế xuất)
- Chứng từ vận tải
- Kiểm tra chất lượng (nếu hàng thuộc diện phải kiểm tra)
- Chứng từ khác (nếu có)...
Thủ tục hải quan
Bước 1: Doanh nghiệp xuất khẩu khai hải quan
Dựa trên cơ sở hợp đồng đã được ký với thương nhân nước ngoài có chỉ định giao hàng tại Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu phải kê khai đầy đủ các tiêu chí tương ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu trên tờ khai.
Bước 2: Doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ
Sau khi các doanh nghiệp xuất khẩu đã hoàn thiện đầy đủ các tờ khai và đến Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục để đăng ký làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ phù hợp đối với loại hình xuất nhập khẩu sau khi nhận đủ hàng.
Bước 3: Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu
Tiếp tục hoàn thiện các giai đoạn bao gồm: nộp tờ khai, tính thuế, niêm phong mẫu hàng (nếu có), xác nhận đã làm thủ tục, giao doanh nghiệp và lưu trữ hồ sơ, thông báo cho Cục Thuế địa phương nơi theo dõi thuế của doanh nghiệp biết.
Bước 4: Doanh nghiệp xuất khẩu
Lúc này, doanh nghiệp xuất khẩu phải nhận hồ sơ đã được làm thủ tục chuyển cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất để đăng ký làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ.
Bước 5: Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu
Chi cục hải quan sẽ tiếp nhận tờ khai hải quan, cùng các chứng từ khác thuộc hồ sơ xuất khẩu tại chỗ. Sau đó, tiếp tục tiến hành các bước đăng ký tờ khai theo quy định, phù hợp với từng loại xuất khẩu, nhập khẩu, thuế phí ( nếu có).
Trên đây là các thôn tin liên quan đến loại hình xuất khẩu tại chỗ . Hy vọng các bạn có thêm kiến thức với nghề nghiệp của mình.
Để tìm hiểu thêm về các nghiệp vụ XNK khác , các bạn có thể đăng ký khóa học " Itrain - Train to success" khóa học đào tạo XNK số 1 Việt Nam do các giảng viên là chuyên gia XNK lâu năm trong nghề .
>>> Bài viết liên quan :
https://itrain.edu.vn/dn-can-chuan-bi-gi-de-ung-pho-covid-19.html